BÀN VỀ CHỮ NHẪN (忍)

Cho dù phải học NHẪN, thì “Lương thiện cần có đầu óc, khoan dung phải có giới hạn!“.

Võ Nguyên Giáp
Biểu tượng vĩ đại về chữ NHẪN

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường tiến thân
Có khi nhẫn để xoay vần
Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa
Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù
Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu
Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường
Có khi nhẫn để vô thường
Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai
Có khi nhẫn để lắng tai
Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng
Có khi nhẫn để bao dung
Ta vui người cũng vui cùng có khi
Có khi nhẫn để tăng uy
Có khi nhẫn để kiên trì bền gan.

1. Nhẫn qua luận bàn trong Hán văn

Chữ 忍 (Nhẫn): kiên nhẫn, nhẫn nhịn, nhẫn nại, thậm chí nhẫn nhục. Chữ 忍 (nhẫn) gồm chữ 刃 (nhận) hay chữ 刀 (đao) ở trên và chữ 心 (tâm) ở dưới. “Nhận” có nghĩa là “lưỡi dao”, “tâm” là “tim”. Dao đâm vào tim (cứa vào tim) mà vẫn sống là nhờ biết tự kiềm chế, biết nhẫn nhịn.
Cũng có thể thấy trong chữ nhẫn có một nét phẩy của bộ丿(phiệt) dưới chữ 刀 (đao). Đó là chữ 乂(刈)- chữ “nghệ” ẩn. 刈 (nghệ) tức là tài giỏi. Vậy chữ “nhẫn” gồm ba chữ 刀, 乂 và 心 là “đao”, “nghệ” và “tâm” hợp thành.

忍 = 刀 + 乂 + 心

Nhẫn nhịn cũng phải có nghệ thuật, không phải tùy tiện. “Một điều nhịn chín điều lành” nhưng nếu nhu nhược thì “một điều nhịn thành chín điều nhục”, là điều phải nhớ.

2. Nhẫn trong đời sống nhân sinh

Nhẫn trở thành cách cư xử trong mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa con người với mục đích, lý tưởng. Trong mối quan hệ giữa con người với con người, nhẫn là nhẫn nhịn. Trong mối quan hệ giữa con người với mục đích, lý tưởng, nhẫn trở thành nhẫn nại. Nhẫn chính là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh.

Một gia đình có nhiều thế hệ, già trẻ, dâu rể, trình độ, nhận thức khác nhau cùng chung sống dưới một mái nhà, nếu không có được sự nhẫn nhịn thì khó mà hoà hợp được. Đạo lý ấy cũng đúng trong một đất nước, một cơ quan, đơn vị.

Người có thể nhẫn nhịn trong gia đình thì cũng có thể biết cách nhẫn nhịn, ứng xử khéo léo ngoài xã hội. Nhẫn nhịn chính là cái cột chống đỡ cho tinh thần đua tranh. Nếu lúc nào cũng nghĩ đến sự nhẫn nhịn thì thắng không kiêu, bại không nản, có thể tiến, có thể thoái theo ý muốn của mình.

3. Nhẫn là trí tuệ, là sức khỏe, là tâm lý

Lợi ích của sự nhẫn nhịn chủ yếu biểu hiện ở chỗ giảm bớt tâm trạng chịu đựng như đau buồn, tức giận hoặc lo âu. Dựa vào những nghiên cứu của các nhà tâm lý học mà xét, nhẫn nhịn có thể đem đến tinh thần và thân thể khỏe mạnh, tạo ra năng lực tự khống chế… Nhẫn nhịn có thể thúc đẩy sức khỏe của con người. Mức độ nhẫn nhịn của một người càng cao thì tâm lý của người ấy càng khỏe mạnh. Nhẫn nhịn có thể làm giảm đau đớn, giảm khả năng mắc bệnh tim mạch. Người nhẫn nhịn từ trong lòng thật sự thì sức mạnh cá nhân và dũng khí của họ sẽ tăng lên, họ sẽ càng có chủ kiến khi quyết định đối mặt với những điều làm tổn thương họ. Những người không đủ sự nhẫn nhịn thì sức mạnh và dũng khí của họ cũng bị giảm đi.

Trong cuốn “Luận về chữ nhẫn” của Mạnh Chiêu Quân có viết: “Chớ nên cáu gắt, cáu gắt sẽ làm tổn thương hoà khí; chớ nên tức giận, tức giận sẽ làm huỷ hoại nguyên khí; chớ nên đùa giỡn, đùa giỡn sẽ làm hỏng tài khí; phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn sẽ có được thần khí”.

“Chữ nhẫn là chữ tương vàng,
Ai mà nhẫn được, thì càng sống lâu”.

4. Lời Phật dạy

Nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày.
Muốn hoà thuận trên dưới, nhẫn nhịn đứng hàng đầu.
Cái gốc trăm nết, nết nhẫn nhịn là cao.

5. Có 12 loại “NHẪN”

Nhẫn nại = công việc nhiều rắc rối khó khăn, tiến hành chậm chạp, vẫn quyết chí làm cho được.

Nhẫn nhục = Việt Vương Câu Tiễn thất bại, chịu đủ thứ hành nhục, khổ phiền, nằm gai nếm mật, chờ thời cơ phục quốc thành công.

Nhẫn nhịn = Chờ cho đúng thời cơ, chờ cờ đến tay, không nôn nóng. Đôi khi để kẻ khác giành lấy tiên cơ, ưu thế trước. Lùi một bước, tiến vạn bước.

Nhẫn thân = Phục hổ tàng long để kẻ thù đang thế mạnh không tìm diệt mình. Khi thời cơ đến, đủ lực sẽ xuất hiện chọc trời khuấy nước.

Ẩn nhẫn = Trốn tránh, chịu đàm tiếu, xúc xiểm, không còn tỏ ý ham danh đoạt lợi. Có khi trốn tránh luôn, cũng có khi do thời chưa đến.

Nhẫn hận = Ức lắm, thù lắm, bị xử ép nhưng không tỏ rõ thái độ bất bình, oán hận.

Nhẫn hành = Thấy đã có thể hành động được rồi, nhưng còn kiên tâm chờ thêm cho chắc.

Nhẫn trí = Khôn khéo hơn thượng cấp rất xa, nhưng giả ngu khờ hết mức.

Nhẫn tâm = Thấy ác, thấy nạn, bỏ qua không có thái độ bênh vực, cứu giúp.

Tàn nhẫn = Bất Nhẫn, tự làm những việc không màng tới lương tâm.

Cha con nhẫn nhịn nhau, vẹn toàn đạo lý
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ
Anh e nhẫn nhịn nhau, trong nhà thường yên ấm
Bạn bè nhẫn nhịn nhau, tình nghĩa chẳng phai mờ
Tự mình nhẫn nhịn được, ai ai cũng mến yêu
Người mà chưa biết nhẫn, thì chưa phải người hay.

6. NHỊN

                                     
Nhịn để chịu đựng đắng cay
Nhịn để đối phó kẻ hay ghét mình
Nhịn để cho dạ được minh
Nhịn để chữ nghĩa chữ tình vẹn nguyên
Nhịn để nghe một lời khuyên
Nhịn để theo dõi kẻ điên làm càn
Nhịn để kiên chí bền gan
Nhịn để ta được bình an trong đời
Nhịn để nắm bắt thiên thời
Nhịn để thấu hiểu miệng đời thế gian
Nhịn để qua khỏi gian nan
Nhịn để cảnh giác kẻ gian hai lòng
Nhịn để nhìn rõ đục trong
Nhịn để suy nghĩ và không làm liều
Nhịn để qua cơn bão chiều
Nhịn để giảm tránh những điều xấu xa
Nhịn để phòng kẻ hại ta
Nhịn để thấu đáo nhìn ra kẻ thù.

NHƯNG

LÀM NGƯỜI: LƯƠNG THIỆN CẦN CÓ ĐẦU ÓC, KHOAN DUNG PHẢI CÓ GIỚI HẠN!

Làm người, tâm tính đừng nên quá tốt, không biết giận dữ, không biết bực mình, thời gian trôi đi sẽ chẳng có ai sợ bạn, ai cũng coi thường bạn, đến cả đứa trẻ con cũng sẽ ức hiếp bạn.

Làm người, không nên quá rộng lượng, người ta vừa khóc bạn đã bỏ qua tha thứ, người ta vừa yêu cầu bạn đã sẵn lòng đáp ứng, nhiều lần như vậy bạn sẽ biến thành một quả hồng chín, ai cũng muốn “bóp nắn” một cái.

Làm người, đừng dễ tính quá, ai muốn gì cũng cho, ai nói gì cũng tin, về lâu về dài sẽ chẳng có ai còn để ý đến cảm nhận của bạn, luôn luôn muốn bạn đáp ứng yêu cầu của họ.

Làm người, lương thiện cần có đầu óc, khoan dung phải có giới hạn, đáng tức giận hãy cứ tức giận, nên lạnh lùng thì hãy cứ lạnh lùng. Lúc nào cũng cả nể nhượng bộ, người ta sẽ “được voi đòi tiên”. Luôn luôn cầu “dĩ hòa vi quý”, nhưng chẳng phải ai cũng thích thế cả.

Trong mối quan hệ giữa người với người, chung sống cùng nhau cần phải chân thành, quan hệ với nhau cần có mức độ, nhìn người cần nhìn nhân cách, kết bạn cần nhìn tấm lòng.

Với những người tốt với bạn, bạn hãy đối tốt lại, có thể nhân nhượng.

Còn với những kẻ ức hiếp bạn, bạn cần có trái tim lạnh lùng, đừng hết lần này đến lần khác tha thứ cho dù người ta ức hiếp bạn đến “thương tích đầy mình”.

Chúng ta chỉ sống một lần mà thôi, chẳng có ai dễ dàng cả, hãy trở thành một người khó tính một chút. Tính cách có tốt xấu, lòng lương thiện có giới hạn, khoan dung hãy nhìn người, trái tim của bạn hãy trao cho đúng người.

Đừng nhượng bộ kẻ ức hiếp bạn!
Đừng tha thứ kẻ làm tổn thương bạn!
Đừng quan tâm kẻ lạnh nhạt với bạn!
Đừng đi theo kẻ coi thường bạn!
Hãy để tính tốt của bạn cho người đối tốt với bạn nhìn thấy!
Hãy để lòng lương thiện của bạn dành cho những người biết cảm ơn.
/.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *