CẢM NGHĨ VỀ MỘT LỚP HỌC 13 NGƯỜI VÀ PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC Ở MỘT XÃ NGHÈO VEN BIỂN

(Câu chuyện về phong trào đi học, đến trường của xã nghèo ven biển – Hải Triều, Hải Hậu, Nam Định)

Giáo dục Việt Nam trải qua hệ đào tạo phổ thông lúc đầu là 10 năm (từ 1956, thời Việt Nam DCCH) và đến năm học 1981-1982 thì bắt đầu chuyển qua hệ 12 năm. Tuy lúc này gọi là hệ 12 năm, nhưng học hết cấp 3 chỉ mất 10 năm, rồi 11 năm, đến tận những năm 1990 thì mới hoàn thiện đầy đủ 12 năm, trong đó lớp 9 lần đầu tiên được tổ chức vào năm học 1990-1991, rơi vào lứa học trò sinh năm 1976.

Hệ 10 năm, bao gồm 3 cấp: Cấp 1 (lớp 1, 2, 3, 4), Cấp 2 (lớp 5, 6, 7) và Cấp 3 (lớp 8, 9, 10).

Đến hệ 12 năm thì đổi tên, không gồm Cấp 1, 2, 3 nữa mà gọi là Tiểu học, Phổ thông cơ sở, và Phổ thông trung học, cho đến ngay nay.

Chúng tôi là thế hệ có lớp 9 đầu tiên. Học sinh học đúng tuổi là sinh năm 1976. Do điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, các lớp học ngày xưa thường rất nhiều thành phần lứa tuổi, thậm chí có các bạn cùng lớp đã lớn quá 3-4 tuổi, và ở quê, thường là cứ gọi mày, tao, bất kể lớn nhỏ.

Thế hệ sinh năm 1975, học xong lớp 8, ai thi đỗ vào THPT (vẫn quen gọi là cấp 3) thì học luôn lớp 10, ai chưa vào được thì học tiếp lớp 9 – lần đầu tiên được tổ chức.

Hải Triều năm đó, năm học 1990-1991, số học sinh gom cả hai năm sinh 1976, 1975 và các năm trước – dù thế nào cũng không đủ một lớp 9 theo quy định của ngành giáo dục. Trong thời gian hè, các học sinh lứa này thậm chí tiếp cận trường Bổ túc cấp 3 (xã bạn – Hải Cường), một số tính qua học chung với xã khác.

Giữa lúc như vậy, cô Thái Thị Hoan (Hiệu trưởng) và Ban giám hiệu Trường cấp 2 xã Hải Triều (cách gọi cũ của Trường THCS xã Hải Triều) quyết định phá cách, không màng kinh phí, không cần phân bổ giáo viên – vẫn quyết tâm mở bằng được lớp 9 để con em được học tại xã nhà. Điều này có nghĩa là các thầy cô đáng ra không ai phải có trách nhiệm dạy cái lớp 9 được mở thêm, thì trái lại, nhà trường phải tự bố trí sắp xếp, điều phối thu chi để duy trì lớp, giáo viên thêm gánh nặng vì cái lớp học phát sinh này. Gọi là tự thu, tự chi chứ thực ra các thầy cô tham gia dạy lớp suốt một năm, không có thu nhập gì đáng kể đối với “đứa con nuôi” này, là cái lớp 9 ốm o khi đó chỉ có 13 học sinh (12 nam và 1 nữ), gom từ 3-4 khóa trước đó, bao gồm các em sinh năm 1976, 1975, 1973… Cô Đinh Thị Thủy làm Chủ nhiệm lớp.

Sau này lớn lên, tôi bị luyến lưu rất sâu nặng với tình cảm của lớp học này. Ở đó, thầy cô học trò như cha con, anh chị em trong một nhà. Lớp luôn vui vầy và ấm cúng. Tôi nghĩ là chúng tôi khi đó dù có nghịch ngợm ít nhiều nhưng lễ phép và cố gắng.

Lớp dạng này được các thầy cô dìu dắt có lẽ sẽ không còn lặp lại trong lịch sử giáo dục. Rồi khi chuẩn bị tốt nghiệp, phải gửi đi hội đồng thi xã khác để các em ôn và thi trong hệ thống giáo dục, đào tạo của huyện nhà.

Thời gian trôi đi, các em lớp 9 đầu tiên với chỉ 13 học sinh ấy cũng lớn lên và trưởng thành. Có em đã đỗ cha, đi xứ (làm linh mục), có em đã lên cấp thượng tá, đại tá trong quân đội, thạc sĩ, có em trở thành doanh nhân thành đạt, là những tấm gương để các thế hệ tiếp theo học tập, noi theo. Các thầy cô khi đó giờ tất cả đã nghỉ hưu. Thầy trò giờ gặp nhau cứ lẫn lộn cô-trò, chị-em, hệt như cái ngày ấy của gần 40 năm về trước.

Ở một xã nghèo ven biển như Hải Triều, làm giáo dục là một việc khó đòi hỏi tình thương và sự hi sinh, phong trào khuyến học vì vậy cũng là một công việc đầy trắc ẩn cần sự chung tay một cách bền bỉ của các thế hệ phụ huynh và học trò trong xã, cả những người đang sinh sống tại địa phương và những người đang xa xứ, tha phương cầu thực./.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *