Trong Đạo Phật chia làm 4 loại MẠN.
Ti liệt mạn: Mình có năng lực nhưng mình không tự tin để làm.
Mạn: Mình giỏi nhưng mình tinh vi với đời.
Mạn quá mạn: Mình không giỏi nhưng mình huyễn hoặc nghĩ mình giỏi hơn mình tưởng.
Tăng thượng mạn: Giỏi nhưng tự phong mình thành thánh.
Trong cuộc sống này, một trong những nguyên nhân gây ra đau khổ cho chính mình là do cái tôi của mình to. Biểu hiện của cái tôi to thể hiện ở những vấn đề sau:
Thứ nhất: Cái tôi to mà không hiểu vấn đề gì nên không dám hỏi. Vốn dĩ con người sẽ có phần ngu, mà đã ngu thì phải học, bản chất của học là hỏi. Học mà không hỏi, học mà chỉ nghe thì chưa phải là học. Vì chúng ta phải hỏi kiến thức đó ứng dụng vào đâu trong cuộc sống. Nếu chỉ học kiến thức mà không biết ứng dụng vào đâu trong cuộc sống thì bản chất bạn chỉ mang một mớ kiến thức trên người nhưng không làm gì được cho đời này cả. Thậm chí còn làm cho cuộc đời này thêm nặng nhọc.
Thứ hai: Mạn sinh ra sự coi thường người khác. Trong cuộc đời này muốn bình dân, mọi người hạnh phúc thì phải hạ cái tôi xuống, sống bình dân như người đối diện thì lúc này người đối diện mình sẽ sống bản năng. Người nào được sống bản năng thì người đó là được sống hạnh phúc nhất. Trong cuộc sống lúc nào cũng phải quy trình, quy tắc, thưa bẩm thì đời sống này quá đau khổ rồi. Nếu mình muốn làm cho người khác hạnh phúc thì mình bỏ cái tôi đi, mình sẽ sống giống như họ và làm cho họ sống bản năng, tức là mình làm cho họ được sống hạnh phúc. Nguyên tắc người xung quanh được sống hạnh phúc thì mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Bỏ được cái tôi, bỏ được chữ mạn thì cũng là bỏ hết được những oán tắng hội khổ. Bỏ cái tôi sẽ khiến giúp mình tiến bộ rất nhanh và đặc biệt mọi người xung quanh sẽ yêu quý mình.
Tiếp theo là NGHI
Áp dụng trong đời sống và kinh doanh thì có 2 cái nghi căn bản: Nghi thằng khác ngu thì mình không giao việc cho nó và nghi thằng khác không trung thực thì mình không giao quyền, giao tiền cho nó. Dẫn tới trong kinh doanh mà bị mắc bệnh nghi thì không bao giờ dám giao điều gì cho cấp dưới. Mà mọi thứ trách nhiệm đè lên vai CEO. Mà nguyên tắc ở đời nếu bạn không chia được đi thì một mình bạn hứng tất.
Vì vậy nếu bạn không chia đi quyền lợi của bạn cho người khác thì một mình bạn hưởng tất quyền lợi.
Nếu bạn không chia công việc cho người khác thì một mình bạn làm tất công việc.
Nếu bạn không chia tiền cho người khác tiêu thì tất cả mọi đồng tiền anh em tiêu đều phải xin ý kiến bạn.
Vì vậy nếu bạn có chữ mạn thì không ai chơi với bạn và bạn chẳng học hỏi được gì cả.
Nếu bạn có chữ nghi trong con người bạn thì bạn sẽ không bao giờ giao tiền, giao quyền, giao trách nhiệm cho ai.
Bạn làm kinh doanh mà có 2 điều này thì bạn chỉ nên làm một mình và không có đội nhóm. Bạn sẽ gánh vác hết mọi việc và lúc nào cũng bận. Bạn tưởng thế là khôn ngoan và thông minh nhưng đấy thực ra là một căn bệnh trầm trọng. Và bạn sẽ phải trả nghiệp cho sự nghi ấy là sau 40 tuổi sức khoẻ xuống dốc trầm trọng. Họ kiếm tiền cho tuổi trẻ và chữa bệnh cho tuổi già.
Về phần ÁC KIẾN, nếu con người bỏ tham sân si thì mình sẽ có chút thành quả. Nhưng nếu có thành quả thì mình sẽ lại mạn – nghi.
Bỏ được mạn – nghi thì mình mới biết giao quyền, giao trách nhiệm, công ty mới lớn mạnh.
Nhưng khi công ty lớn mạnh thì bạn dễ vướng vào ngũ lợi sử.
Đầu tiên là bạn bị thân kiến. Sau khi bạn giàu có lên rồi thì bạn cho rằng thân mình hơn thân của người khác. Nhưng thật ra mà nói thân thể của người giàu và nghèo như nhau. Nếu những người giàu có bỏ được sự thân kiến thì họ sẽ có những cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Bệnh thứ 2 là biên kiến. Sếp rất hay bị. Ví dụ khi mình giỏi 1 thứ thì mình luôn nghĩ mình giỏi tất cả, và không nghe ai nói hết, rất hay đoán nhưng lại đoán sai.
Bệnh thứ 3 trong ngũ lợi sử là kiến thủ kiến. Khi bạn thất bại nghe góp ý rất dễ, nhưng khi bạn thành công người khác góp ý với bạn vô cùng khó vì bạn không nghe. Bấy giờ mọi lời góp ý không còn giá trị.
Bệnh thứ 4 là giới cấm thủ kiến. Trong đạo Phật có từ chân ngã. Ngã là tính cách, thói quen diễn ra xung quanh chính ra. Khi chúng ta hiểu bản ngã thì chúng ta sẽ thông cảm chia sẻ và không còn phán xét nữa. Chân là chân lý. Bất cứ 1 cái gì tồn tại bền vững đều có nguyên nhân nào đó. Trong Đạo Phật chứng minh rằng không có cái gì tồn tại độc lập mà không có nhân duyên đằng trước đó. Vì vậy trong Đạo Phật có 1 phần gọi là giới cấm thủ kiến. Người ta thường nghĩ rằng việc này sinh ra chỉ ở trong việc này thôi. Ví dụ công ty không tuyển dụng được người đôi khi không phải do tuyển dụng, nhưng rất nhiều CEO không hiểu biết giới cấm thủ kiến quay ra đổ lỗi cho nhân sự. Nhưng họ quên mất rằng đằng trước đấy để tuyển dụng được nhân sự tốt thì CEO phải là người dùng người tốt đã. Mức lương phải phù hợp với trình độ của người ra. Nhân viên tuyển dụng chỉ là người kết duyên mà thôi.
Có biên kiến – kiến thủ kiến – thân kiến – giới cấm thủ kiến. Và nếu bạn bỏ được từng ấy tầng bậc và bạn sẽ tu đến tầng bậc cuối chính là tà kiến.
Tà kiến chính là việc bạn cho rằng mình trở thành thánh thần vượt qua tầng con người, bạn lập hội thánh nọ thánh kia.
Nếu bạn hiểu được các tầng bậc của tu thì bạn sẽ biết cách không mắc phải những căn bệnh mà Đức Phật đã vạch ra thì giúp cho đời sống của mình an lạc hơn.
Nếu bạn bỏ được hết những thứ này thì tâm bạn sẽ an lạc, sống ung dung giữa đời không bị dẫn dắt!
(Theo Ngô Minh Tuấn)