Mọi thứ luôn thay đổi và có nhiều thứ quay lại với giá trị đích thực của nó.
Trong xã hội Trung Quốc, từng có giai đoạn đình, chùa, nhà thờ, tượng Phật, tượng Chúa bị đập phá. Ở Việt Nam, từ xa xưa, đạo Phật đã được truyền bá vào và có ảnh hưởng rất lớn (trước cả Trung Hoa khoảng 100 năm). Vào thế kỉ XIII, đến ngay như vua Trần Nhân Tông cũng rời bỏ ngai vàng chọn đường tu hành.
Quan điểm Đảng ta ngày nay coi tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự do và lựa chọn của mỗi người dân. Chùa chiền, tượng Phật, nơi thờ tự được xây dựng và mở mang, các căn cứ quân sự đều có, trên các đảo lớn ở Trường Sa đều có.
Ngoài xã hội, ta thấy những vị như Phạm Nhật Vượng của Vingroup, Đặng Lê Nguyên Vũ của Trung Nguyên, Ngô Minh Tuấn – Chủ tịch Học viện CEO Quốc tế… đều theo Đạo Phật. Ở phạm vi Quốc tế, Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu đã từng gặp gỡ, giao lưu với Đức Đạt Lai Lạt Ma như hai người bạn…
Ở một số nước, ai có tôn giáo, tín ngưỡng là biểu hiện của người có văn hoá và có nhân tính.
Ở nước ta, có theo hay không tôn giáo nào đó, từng không được một bộ phận người dân để tâm hoặc né tránh. Người ta có thể chỉ bon chen địa vị xã hội, quyền lợi, vật chất, hay mục đích gì đó hơn là bàn về tôn giáo. Ngược lại, cũng đã có những kẻ đội lốt người tu hành để làm quấy, hay có những kẻ vì không sợ đất, không sợ trời (vô thần) mà trở nên tàn bạo. Cũng có một bộ phận khác, từng làm gì đó sai quấy mà bị dày vò lương tâm, chùa nào cũng đi, cũng khấn, cũng lễ nghi rườm rà hi vọng có thể tránh tội một cách hết sức lố bịch.
Đạo Phật khi ra đời không phải là một “tôn giáo” như quan niệm ngày nay. Đó là một loại đạo minh triết, trí huệ, không hiếu chiến, không bị chính trị chi phối. Người theo triết lý đạo Phật bản chất là tự thân tu đạo, không phải gia nhập, lệ thuộc một tổ chức tôn giáo nào. Nhiều người vừa theo tôn giáo của truyền thống gia đình, vừa theo triết lý đạo Phật. Hình ảnh mọi người từ nguyên thủ quốc gia đến từng người dân thắp cây nhang (hữu thần), vái lạy trước tượng Phật, tượng Chúa đã trở lên quen thuộc trong đời sống tâm linh, xã hội./.